Sa sút trí tuệ là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Đặc biệt với người có các bệnh mãn tính như tăng huyết áp và đái tháo đường, nguy cơ này lại càng cao hơn so với người bình thường. Ở người cao tuổi bị đái tháo đường, những mạch máu trên não bị tổn thương, máu lên não kém, ảnh hưởng đến một số chức năng quan trọng – trong đó có ghi nhớ, suy luận và giao tiếp.
Phân biệt chứng mất trí nhớ do lão hóa và sa sút trí tuệ
Tại Việt Nam, rất nhiều gia đình thường chủ quan khi thấy người cao tuổi suy giảm trí nhớ, cho rằng đó là chuyện tất yếu ở tuổi già. Thế nhưng nếu người thân của bạn có tiền sử bị đái tháo đường, việc hay quên và đãng trí có thể là dấu hiệu báo trước cho chứng sa sút trí tuệ.
Về lý thuyết, mất trí nhớ do lão hóa tự nhiên và sa sút trí tuệ có nhiều biểu hiện khác biệt như:
Mất trí nhớ do tuổi già | Sa sút trí tuệ |
Thỉnh thoảng hay quên nhưng vẫn sinh hoạt như bình thường | Gặp khó khăn với những việc đơn giản như tắm rửa, thay quần áo, đôi khi quên việc mình đã làm rất nhiều lần |
Có thể kể lại những lần đột nhiên bị quên, đãng trí | Không thể kể lại các trường hợp bị mất trí nhớ |
Không bị lạc ở nơi quen thuộc, nhưng có thể cần 1 lúc mới nhớ được đường. | Không thể nhớ đường, bị lạc cả ở nơi quen thuộc |
Thỉnh thoảng quên từ ngữ, nhưng vẫn giao tiếp bình thường | Thường xuyên quên mình đang nói gì, lặp lại 1 chuyện nhiều lần |
Giữ nguyên khả năng phán đoán và ra quyết định | Khả năng phán đoán không ổn định, cư xử kỳ lạ so với chuẩn mực chung |
Chính vì vậy, người cao tuổi bị đái tháo đường cũng nên thường xuyên kiểm tra trí lực tại bệnh viện. Dựa trên tình trạng bệnh đái tháo đường cũng như những dấu hiệu ban đầu của sự suy giảm trí nhớ, bác sĩ sẽ chẩn đoán, tư vấn và vạch ra phát đồ điều trị cho riêng cho mỗi bệnh nhân.
5 cách cải thiện trí nhớ cho người cao tuổi bị đái tháo đường
Nếu bị sa sút trí tuệ do biến chứng từ đái tháo đường, bên cạnh uống thuốc theo đơn của bác sĩ, mỗi bệnh nhân có thể chủ động cải thiện trí nhớ với 5 phương pháp đơn giản sau:
– Tập thể dục cho trí óc: não bộ chúng ta cũng giống như cơ bắp, cần được rèn luyện thường xuyên thì mới khỏe mạnh. Người cao tuổi có thể học giải ô chữ, chơi nhạc cụ hay đơn giản là thay đổi tuyến đường đi bộ mỗi ngày.
– Tích cực giao tiếp xã hội: người cao tuổi dễ cảm thấy cô đơn lúc tuổi già, từ đó dẫn đến căng thẳng tinh thần – yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường lẫn suy giảm trí nhớ. Để cải thiện, người cao tuổi có thể dùng thời gian rảnh rỗi tham gia hoạt động tình nguyện tại địa phương, duy trì mối quan hệ với bạn bè lâu năm, giao tiếp với hàng xóm thay vì ở nhà một mình.
– Ngủ đủ giấc: người cao tuổi thường không ngủ nhiều như trước, nhưng bạn vẫn cần đảm bảo mình ngủ sâu, ngủ đủ giấc. Giấc ngủ là khoảng thời gian để não bộ nghỉ ngơi, tái tạo lại các tế bào thần kinh và duy trì trí nhớ khỏe mạnh.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: những món ăn hàng ngày quyết định rất nhiều đến mức glucose máu và sức khỏe trí não. Nên hỏi ý kiến bác sĩ và tự xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, cá và thịt ít béo…cũng như hạn chế thực phẩm chế biến sẵn hay ăn bên ngoài.
– Rèn luyện thể lực: các hoạt động thể dục thể thao giúp điều hòa lượng máu lưu thông đi khắp cơ thể, trong đó có não bộ. Đây là tiền đề để điều trị đái tháo đường và ngăn chặn tình trạng mất trí nhớ. Người cao tuổi bị đái tháo đường nên chọn hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe chậm trong khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.