Chế độ ăn cho người bệnh ung thư dạ dày có hoá trị

Hóa trị khi điều trị ung thư là sử dụng thuốc (hay chính là hóa chất hoặc chất gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào phát triển, tránh tăng sinh nhanh bên trong cơ thể. Chúng được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư vì những tế bào ung thư thường có đặc tính là nhân lên nhanh hơn so với đa số các tế bào thường trong cơ thể.

Hóa trị loại trừ hoặc giảm các tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng mang đến những tác dụng phụ trên người bệnh như gây chết những tế bào máu ngoại biên, buồn nôn, nôn ói, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, rụng tóc, viêm niêm mạc miệng…

Những người bệnh ung thư dạ dày có truyền hóa chất có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao, vì vậy trong quá trình điều trị người bệnh cần chú ý đến tăng cường dinh dưỡng.

Dưới dây là các hướng dẫn về chế độ ăn cho người bệnh ung thư dạ dày có hóa chất:

– Lưu ý: Ăn chậm, nhai kỹ. Ăn đúng giờ, không bỏ bữa.

– Hạn chế ăn chay vì nguy cơ thiếu đạm. Nếu có ăn chay thì cần tăng các thực phẩm giàu đạm từ thực vật như: đậu tương, đậu phụ, sữa, đỗ đen, đỗ xanh, hạnh nhân, các loại hạt…

Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm:

* Thực phẩm nên dùng:

– Ưu tiên thực phẩm tươi mới, hạn chế thực phẩm bảo quản lâu.

– Nguồn tinh bột: gạo tẻ máy, mì gạo, khoai lang…

– Các thực phẩm giàu đạm ít béo như thịt nạc, đậu phụ, thịt gia cầm (bỏ da), trứng 2 quả/tuần, ăn cả lòng trắng và lòng đỏ, ăn cách ngày

– Các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu mè, dầu oliu, dầu hướng dương…

– Ăn nhiều rau xanh, mềm, bỏ vỏ, đa dạng, quả chín ít ngọt, rau lá xanh đậm (rau khoai lang, rau đay, rau mồng tơi), mỗi ngày nên ăn 400 – 500g rau, 200 – 400g quả chín ít ngọt như roi, thanh long, bưởi, ổi, cam, củ đậu, mận, táo…

– Tăng cường thực phẩm bổ sung nhiều omega – 3: cá hồi, dầu oliu…

– Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như cà rốt, cà chua, rau ngót, rau muống…

– Các loại sữa chuyên biệt cho NB ung thư.

* Thực phẩm hạn chế dùng:

– Hạn chế muối, chấm nhẹ tay, hạn chế mì chính và hạt nêm

– Bánh mì có các loại hạt (hạnh nhân, vừng, lạc…). Ngũ cốc nguyên cám, yến mạch, gạo lứt.

– Thịt nhiều chất béo, đậu, đỗ và các loại hạt.

– Đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối như: mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán, khoai tây chiên, các loại bánh ngọt…

– Thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối.

– Các thực phẩm chứa nhiều acid béo như: các món thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay, các loại bánh như bánh chả…

– Các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như: đồ hộp, thịt nguội.

– Hạn chế nêm nếm, ướp trước khi chế biến.

– Hạn chế uống nước chè ban đêm (nên uống nước chè ban ngày)

* Thực phẩm không nên dùng:

– Rượu, bia, cà phê, nước ngọt có đường.

– Dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.

– Các loại nấm mốc như lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *