Đề phòng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là kết quả của các biến cố cơ học và sinh học, làm mất ổn định quá trình hủy hoại và tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp, do vậy việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ rất quan trọng trong kế hoạch vạch ra chiến lược phòng ngừa.

Các yếu tố nguy cơ

– Các yếu tố tuổi và giới, di truyền, cơ địa và nội tiết: Tuổi càng cao thì nguy cơ thoái khớp càng lớn. Bệnh cũng có khả năng di truyền. Con cháu trong gia đình của những người bị thoái hóa khớp sớm và nặng dễ bị thoái hóa khớp hơn các gia đình bình thường khác.

– Sự bất thường hình dáng, trục khớp cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp sớm. Các dị tật cấu trúc, bẩm sinh hay mắc phải như chân vòng kiềng (do còi xương), chân chữ bát, bệnh khớp sau chấn thương, viêm, u… thường góp phần gây thoái khớp gối do một phần nhỏ diện khớp lại phải hứng lực hầu hết tải trọng lên khớp.

– Yếu tố béo phì làm tăng tải trọng lên các khớp cột sống và chi dưới, gây nên thoái hóa khớp sớm ở các vị trí này.

– Yếu tố cơ giới rất quan trọng, thúc đẩy thoái hóa khớp do tăng lực nén trên một đơn vị diện tích mặt khớp làm cho khớp rơi vào tình trạng phải hoạt động quá tải. Đó là các chấn thương, thường hay gặp trong các hoạt động thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

– Hoạt động nghề nghiệp: Không đứng theo các quy tắc vệ sinh lao động cũng chính là yếu tố gây thoái hóa khớp. Các công việc cần phải quỳ gối hay ngồi xổm kéo dài, hay nghề nghiệp đòi hỏi phải mang vác nặng thường gây thoái khớp gối.

Biện pháp dự phòng

– Việc dự phòng thoái hóa khớp cần bắt đầu ngay từ những năm tháng đầu đời, nhằm xây dựng một khung xương khỏe mạnh, cứng cáp, đúng tư thế. Cần phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, giàu canxi và vitamin D cho trẻ để phòng tránh còi xương. Không cho trẻ mang vác, lao động nặng. Tư thế ngồi học chuẩn để tránh cong vẹo cột sống dẫn đến thoái hoá khớp sớm. Phát hiện và điều trị sớm các dị tật của xương, khớp, cột sống của trẻ em.

– Những người béo phì phải cố gắng giảm trọng lượng của mình.

– Trong cuộc sống hàng ngày, cần tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động: Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng. Về tập luyện, cần lựa chọn các hình thức tập luyện phù hợp với độ tuổi, sức khoẻ và chức năng vận động của xương khớp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *