Dinh dưỡng phòng chống thừa cân, béo phì

I. Dinh dưỡng phòng bệnh béo phì ở trẻ em

  1. Những điều nên làm

– Khẩu phần ăn của trẻ cần cân đối, hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào đó.

– Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.

– Nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn.

– Nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối.

– Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo và thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ.

– Chế biến thức ăn: Hạn chế các món xào, rán, nên làm các món luộc, hấp, kho.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi:

– Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

– Không cho trẻ ăn nhiều quá, thể tích mỗi bữa phải phù hợp với tháng tuổi.

– Cháo, bột cần có mức năng lượng thấp, không cho thêm các thực phẩm nhiều béo vào bát bột, cháo của trẻ như: bơ, phô mai, sữa giàu béo.

  1. Những điều nên tránh

– Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga. Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường.

– Không nên dự trữ sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, phô mai, bánh kẹo, sô cô la, kem, nước ngọt… trong nhà.

– Không nên cho trẻ ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.

  1. Các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động

– Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể thao như: chạy, nhảy dây, bơi lội, đá bóng, đánh cầu lông…

– Hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà.

– Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử…

– Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui chơi sau những giờ học căng thẳng.

II. Dinh dưỡng phòng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành

  1. Tác hại của thừa cân – béo phì

– Làm cho con người mất thoải mái trong cuộc sống.

– Làm giảm hiệu suất lao động.

– Làm cho con người kém lanh lợi, phản ứng chậm hơn người bình thường nên dễ bị tai nạn (trong lao động, giao thông…)

– Làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong do có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (nhổi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp…), đái tháo đường, bệnh sỏi mật, rối loạn dạ dày, ruột… Ở phụ nữ mãn kinh, có nguy cơ ung thư túi mật, ung thư vú và tử cung, ở nam giới có nguy cơ ung thư thận và tuyến tiền liệt.

  1. Các biện pháp phòng thừa cân, béo phì

– Thay đổi thói quen ăn uống vào bữa tối quá muộn.

– Thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học:

+ Năng lượng thấp, cân đối, không quá nhiều chất béo, ăn giảm bớt cơm, thay bằng thực phẩm cung cấp ít năng lượng hơn.

+ Hạn chế ăn quả ngọt, đồ uống ngọt. Hạn chế ăn muối mặn.

+ Không nên uống rượu, không uống quá nhiều bia.

+ Uống đủ nước, trung bình 1,5 – 2 lít nước/người trưởng thành/ngày.

– Thường xuyên luyện tập, tham gia lao động thể lực, thể dục thể thao, hạn chế hoạt động tĩnh tại để duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *