Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây là bệnh dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng.
- COPD là gì
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là bệnh lý hô hấp mạn tính làm tắc nghẽn luồng khí thở ra. Bệnh không có khả năng hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có thể dự phòng và điều trị được.
- Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra COPD
Nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá, bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Hít phải khói thuốc lá lâu dài gây nguy cơ cao khoảng 80-90% mắc COPD. Các yếu tố nguy cơ gây COPD như:
– Di truyền
– Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động).
– Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà: khói bếp, khói, chất đốt bụi nghề nghiệp, hơi, khí độc…
- Các triệu chứng của COPD
COPD thường gây ra những tác động trực tiếp tại hệ thống hố hấp với các dấu hiệu:
– Ho, khạc đờm kéo dài (không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản,…) là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng.
– Khó thở: Tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghĩ ngơi và khó thở liên tục.
– Nặng ngực.
– Tăng tiết đàm, nhớt hơn bình thường.
– Bệnh ở mức độ nặng có thể có cảm giác ăn mất ngon, giảm cân, sốt, ….
Người bệnh thường chủ quan với các dấu hiệu trên dẫn đến không đi khám và điều trị kịp thời.
Do đó, nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm COPD, khi có các dấu hiệu bất thường hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị sớm, nhờ đó làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng và giảm các đợt cấp của bệnh.