Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Người mang vi rút mạn tính thì thường không có triệu chứng lâm sàng, nhưng vi rút gây tổn thương gan theo thời gian. Để điều trị bệnh viêm gan B khỏi hoàn toàn rất khó, nhưng nếu được điều trị những người nhiễm vi rút mạn tính này có thể phòng được các biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc điều trị viêm gan B mạn tính hiện nay nhằm mục đích làm cho virus viêm gan B ngưng hoạt động, không sinh sản được (dạng người lành mang bệnh) và ngăn chặn và giảm thiểu tối đa biến chứng xơ gan và ung thư gan.
- Những triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan B
Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Do đó, cần lưu ý những triệu chứng nhận biết bệnh như sau:
– Mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
– Đau nhức xương khớp.
– Thường xuyên buồn nôn, nôn.
– Nước tiểu có màu vàng sẫm.
– Đau bụng.
– Phân màu xanh xám, sẫm màu.
– Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
– Vàng da, vàng mắt.
– Có hiện tượng xuất huyết dưới da.
– Đau hạ sườn phải.
– Sưng bụng, chướng bụng.
- Đường lây của virus viêm gan B
Virus viêm gan B có cơ chế lây nhiễm giống với virus HIV: đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.
– Lây từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể truyền bệnh sang con. Tùy vào từng giai đoạn thai kỳ cụ thể mà tỷ lệ lây truyền sẽ khác nhau. Nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh nguy cơ lây nhiễm sang con lên đến 90%.
– Lây qua đường máu: Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây qua truyền máu, tiêm, xăm hình… nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách. Ngoài ra, việc sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng…với người bị viêm gan B cũng có thể bị lây bệnh.
– Lây qua quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không có biện pháp phòng tránh an toàn cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
- Phòng tránh
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát tình trạng virus viêm gan B trong cơ thể. Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vacxin phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.
Ngoài ra, cần thực hiện một số cách phòng tránh viêm gan B sau:
– Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
– Trước khi có ý định mang thai cả hai vợ chồng cần đi kiểm tra để xác định có bị nhiễm bệnh không. Thai phụ cần thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
– Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai.
– Không tiếp xúc trực tiếp với máu, vết thương hở, chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
– Không xăm mình, làm răng, châm cứu, xăm mắt, xăm môi… tại những cơ sở không uy tín, an toàn.
– Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: bàn chải đánh răng, kìm bấm móng, bàn chải đánh răng…