Khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS, người bệnh có những triệu chứng như sốt, tiêu chảy, sụt cân, nổi hạch… Để tăng cường sức khỏe cho người bị AIDS, cần thực hiện:
- Chăm sóc thể chất
– Nếu có điều kiện, nên sống ở nơi không khí trong lành, nhiều cây xanh. Cần hạn chế tiếp xúc với bụi bặm, khí thải, ồn ào.
– Thức ăn đủ chất dinh dưỡng, cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong một ngày:
+ Chất bột đường: Cơm, bánh mì, ngô, khoai…
+ Chất đạm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ…
+ Chất béo: Dầu, mỡ, lạc, vừng…
+ Nhóm vitamin và muối khoáng: Rau củ, sữa, trái cây…
– Nên ăn thành nhiều bữa như sáng, trưa, chiều và tối. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa ma túy.
– Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân: đánh răng hàng ngày, tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh kinh nguyệt (đối với phụ nữ).
– Quan hệ tình dục an toàn. Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
– Làm việc phù hợp với sức khỏe của bản thân. Nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Ngủ đầy đủ, tránh thức khuya và dậy muộn.
– Tuân thủ điều trị, làm đúng theo lời khuyên và hướng dẫn của nhân viên y tế. Không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần rất quan trọng, người bệnh sẽ khỏe khi được sống thoải mái, lạc quan, không buồn phiền, lo lắng.
– Gặp gỡ thường xuyên với gia đình và bạn bè.
– Luyện tập thể dục thể thao và có các hoạt động giải trí phù hợp với sức khỏe của bản thân để tránh buồn phiền và lo lắng.
– Nếu có lúc buồn hay cảm thấy bế tắc, nên chia sẻ với người thân hoặc một người bạn có thể hiểu và thông cảm. Người bệnh cũng có thể đến một trung tâm tư vấn (tham vấn) về nhiễm HIV/AIDS để trao đổi và được giúp đỡ về tinh thần cũng như việc kiểm tra và chăm sóc sức khỏe.