Chậm phát triển tâm thần là một nhóm bệnh lý có triệu chứng giống nhau, thể hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. Trẻ chậm phát triển tâm thần có mức độ thông minh dưới trung bình và rối loạn các kỹ năng thích ứng, biểu hiện trước 18 tuổi.
- Biểu hiện
* Ở trẻ em:
– Chậm phát triển qua các mốc thông thường (lẫy, bò, đi, nói, tự vệ sinh). Đây là dấu hiệu có thể nhận biết sớm nhất.
– Gặp khó khăn trong học tập cũng như trong quan hệ với trẻ khác vì khả năng tiếp thu và giao tiếp kém.
* Ở trẻ vị thành niên
– Gặp khó khăn trong quan hệ với người cùng trang lứa.
– Có hành vi tình dục không phù hợp.
* Ở người trưởng thành
– Gặp khó khăn trong công việc hàng ngày (vệ sinh cá nhân, nấu ăn,…)
– Gặp khó khăn trong các mối quan hệ thông thường (việc làm, hôn nhân, nuôi con…)
- Một số nguyên nhân có thể phòng tránh
– Biến chứng thời kỳ thai sản: mẹ thiếu dinh dưỡng, đẻ non, thai ngạt, nhiễm độc thai nghén, tác động của các tia vật lý và chất hóa học, cha mẹ nghiện rượu…
– Chấn thương sọ não, nhiễm trùng, nhiễm độc trong giai đoạn sơ sinh…
- Phòng bệnh và điều trị
– Cha mẹ cố gắng phát hiện những biểu hiện sớm về vận động và ngôn ngữ của trẻ, đưa trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần nhi để được tư vấn về cách chăm sóc trẻ. Trẻ sẽ phát triển tốt hơn trong tình yêu thương của người xung quanh, nhất là cha mẹ, anh chị em…
– Khi trẻ có các rối loạn tâm thần, đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị. Điều trị ngoại trú là chủ yếu.
– Luyện tập sớm có thể giúp người chậm phát triển tâm thần biết cách tự chăm sóc và sống độc lập.
– Cần khen thưởng những cố gắng của bệnh nhân. Nên cho phép họ hoạt động ở mức cao nhất với khả năng mà họ có thể trong công việc, ở trường học và trong gia đình.
Điều trị chậm phát triển tâm thần là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm của cả gia đình và xã hội.