Ở Việt Nam trong những năm gần đây, có khoảng gần 3.000 trẻ trong số gần 2 triệu trẻ mới sinh hằng năm có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên còn có một điều may mắn không phải đứa trẻ nào sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV. Nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, số trẻ nhiễm HIV sinh ra từ mẹ có HIV sẽ giảm đi đáng kể.Ở trẻ bị nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch suy giảm hơn những trẻ bình thường nên việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV cũng có những khác biệt, đòi hỏi người chăm sóc phải nắm rõ các kỹ năng và thực hành đúng cách.
Ngay sau khi vừa sinh ra, trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ. Không cần cách ly mẹ và bé. Trong những tháng đầu, cần chăm sóc thật tốt cho trẻ bằng cách tắm, vệ sinh sạch sẽ phòng nhiễm trùng da, xây xước da.
Khi rời bệnh viện về gia đình, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận, sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, an toàn, không khói thuốc lá và không có vật nuôi trong nhà.
Do hệ thống miễn dịch giảm nên trẻ nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác, nếu mắc dễ dẫn đến trầm trọng hơn. Vì vậy, phải tiêm phòng đầy đủ cho bé, cần cách ly trẻ với người bệnh, nhất là người bệnh lao; thăm khám kịp thời khi trẻ bị sốt, ho, viêm họng…
Trẻ bị nhiễm HIV cần nhiều thời gian để ngủ, nghỉ ngơi hơn những trẻ khác.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, thức ăn đa dạng, phù hợp theo lứa tuổi, tăng cường vi chất dinh dưỡng, vitamin A, sắt, kẽm, canxi…; chế biến thực phẩm an toàn; không dùng thức ăn sống, thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh; bổ sung đủ lượng nước cần thiết.
Cần hướng dẫn trẻ lớn biết cách tự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Người chăm sóc trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm, biết cách xử lý các dịch tiết, máu dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ như ngâm trong nước javen, luộc sôi trước khi giặt. Mặt khác, người chăm sóc trẻ phải sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của trẻ.