Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein – năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm và/hoặc do bệnh tật. Thuật ngữ Suy dinh dưỡng thấp còi được sử dụng để mô tả tình trạng trẻ em không đạt được chiều cao theo độ tuổi, giới. Đây là thể SDD mạn tính, phản ánh sự tích luỹ lâu dài quá trình SDD và hoặc nhiễm khuẩn lặp đi lặp lại, và các thiếu hụt khác kéo dài qua nhiều thế hệ. SDD thấp còi thể hiện tình trạng không đạt được chiều cao tối đa theo di truyền.
Các yếu tố liên quan đến SDD thấp còi ở trẻ em là: cân nặng sơ sinh thấp, trình độ học vấn của bà mẹ, nghề nghiệp, kinh tế hộ gia đình, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và các tình trạng bệnh lý khác như tiêu chảy, sốt…
SDD thấp còi là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ và khi trưởng thành, giảm khả năng học tập và lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm sau này. Để có hiệu quả tốt nhất, phòng chống SDD thấp còi cần được tiến hành tốt nhất là trong giai đoạn 1000 ngày vàng từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền và các yếu tố môi trường khác như dinh dưỡng, bệnh tật: Trong đó dinh dưỡng được coi là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất. Giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ mang thai đến khi bé 24 tháng tuổi – tròn 2 tuổi) là giai đoạn lập trình cho sự tăng trưởng và phát triển sau này của trẻ. Đối với những trẻ bị SDD, việc bổ sung vitamin A, sắt/acid folic, kẽm, i ốt, canxi, đa vi chất có thể coi là hiệu quả giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
Dinh dưỡng bà mẹ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi: Dinh dưỡng trước và trong khi mang thai có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Người mẹ SDD khi có thai làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân, thấp còi và sảy thai.
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ: Sữa mẹ có công thức cân bằng về dinh dưỡng. Thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thay đổi phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ phát triển của trẻ. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Cách phát hiện trẻ SDD thấp còi: Để xác định được trẻ có phải là SDD thấp còi hay không cần đo chiều dài nằm/ chiều cao đứng của trẻ và sử dụng chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2006 cho trẻ dưới 5 tuổi để xác định tình trạng dinh dưỡng và mức độ SDD. Đo chiều dài nằm với trẻ dưới 24 tháng tuổi và đo chiều cao đứng với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, kết quả đo được so sánh với chuẩn tăng trưởng của WHO theo từng lứa tuổi (tính theo tháng). Trẻ SDD thể thấp còi khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi, cùng giới (dưới ngưỡng -2SD). Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân, đo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ: trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo 1 tháng/1lần, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể cân đo 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện trẻ bị SDD cần cân, đo 1 tháng/1 lần.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ SDD thấp còi: Thấp còi cần được dự phòng bằng các chăm sóc dinh dưỡng bắt đầu từ giai đoạn bà mẹ trước và trong khi mang thai đến khi trẻ sinh ra, nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ ăn bổ sung đến lứa tuổi tiền học đường. Cần đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ là yếu tố chính tác động đến khả năng phát triển chiều cao của trẻ.
Trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thấp canxi, bổ sung protein và năng lượng, dùng muối i ốt trong chế biến thức ăn. Trẻ cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ: bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12 – 59 tháng tuổi. Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá… Tăng đậm độ năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu/mỡ, bằng giá đỗ hoặc men tiêu hóa, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin. Cần ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua, nấu nhừ để ăn cả xương hoặc giã vỏ lọc lấy nước sẽ hấp thu được nhiều canxi.
Một số vi chất dinh dưỡng tác động đến phát triển chiều cao ở trẻ
– Vitamin A, I ốt, sắt: Vitamin A rất cần thiết cho tầm nhìn, sự biệt hoá về tế bào, chức năng miễn dịch và tạo xương. Iốt là nguyên tố vi lượng thiết yếu để ngăn ngừa bệnh bướu cổ và bệnh chậm phát triển trí não đần độn. Các thực phẩm giàu sắt như thịt, hải sản, đậu đỗ, rau màu xanh đậm, thực phẩm tăng cường sắt.
– Canxi: Thức ăn giàu canxi bao gồm sữa, phomat, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậutương, cá,…
– Kẽm: Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Các thực phẩm giàu kẽm gồm thịt đỏ, một số hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và một số ngũ cốc ăn liền được tăng cường kẽm.
– Vitamin D: Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D. Thực phẩm giàu vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, làm xương chắc khoẻ và tăng trưởng tốt. Trẻ cần tăng cường vận động ngoài trời và sử dụng những thực phẩm giàu vitamin D và canxi.