- Dinh dưỡng phòng bệnh đái tháo đường
Phòng chống béo phì là biện pháp dự phòng có triển vọng nhất để dự phòng bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối, không ăn quá nhiều các thức ăn có năng lượng cao, hạn chế sử dụng các loại thức ăn có hàm lượng đường nhiều, ăn với lượng ít hoa quả có đậm độ đường cao. Thực hiện lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên và hợp lý. Giữ cân nặng ở mức tiêu chuẩn, không để tăng cân quá ngưỡng.
- Dinh dưỡng phòng bệnh loãng xương
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà mẹ mang thai và khi cho con bú.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và vận động cho trẻ em để đạt mức phát triển cơ thể tốt nhất.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: tăng thêm các thức ăn giàu canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa (nên dùng các loại sữa có ít chất béo), tôm, cua, cá các loại. Lượng chất đạm trong khẩu phần ăn nên vừa phải vì chế độ ăn nhiều đạm làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu. Ăn nhiều rau và trái cây.
– Duy trì nếp sống lành mạnh, năng động, kết hợp hài hòa giữa công việc, hoạt động thể lực, giải trí,… tránh các thói quen gây ảnh hưởng xấu tới chuyển hóa canxi như uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá, ăn kiêng quá mức, ít vận động thể lực.
– Từ tuổi 40, hoạt động của các tế bào hủy xương bắt đầu trội hơn các tế bào sinh xương, vì vậy cần bổ sung đủ lượng canxi cần thiết bằng chế độ ăn uống hàng ngày và tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời.
– Ở phụ nữ mãn kinh, tốc độ mất xương sẽ cao nhất sau mãn kinh từ 5 đến 7 năm, vì vậy liệu pháp hormon thay thế rất cần được áp dụng sớm để ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh.
- Dinh dưỡng phòng bệnh tăng huyết áp
Để phòng bệnh tăng huyết áp, nên cố gắng hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp sau đây:
– Ăn mặn: Chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh tăng huyết áp.
– Hút thuốc lá, thuốc lào: Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt có nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp. Vì vậy, không hút thuốc lá cũng là biện pháp phòng bệnh tăng huyết áp.
– Tiểu đường: Người bị tiểu đường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp đôi so với người không bị tiểu đường. Vì vậy, nếu bị tiểu đường cần điều trị tốt để góp phần khống chế được bệnh tăng huyết áp kèm theo.
– Rối loạn lipid máu: Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và gây tăng huyết áp. Không nên ăn mỡ và phủ tạng động vật. Nên ăn cá, rau và hoa quả tươi.
– Thừa cân, béo phì: Người béo phì làm tăng nhanh huyết áp nên cần có chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên để tránh dư thừa trọng lượng cơ thể.
– Uống nhiều bia, rượu: Uống rượu, bia quá mức gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác, từ đó gián tiếp gây tăng huyết áp.
– Ít vận động thể lực: Vận động hàng ngày đều đặn từ 30 – 45 phút có hiệu quả rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.
– Có nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức): Cần rèn luyện tính tự lập, kiên nhẫn và luôn biết làm chủ bản thân trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
– Tuổi cao: Tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng nhiều. Cần có lối sống lành mạnh để làm chậm quá trình lão hóa và gián tiếp phòng bệnh tăng huyết áp.
– Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp: Nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh tăng huyết áp thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn. Vì vậy, những người mà tiền sử gia đình có người thân bị tăng huyết áp càng cần cố gắng loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
- Dinh dưỡng phòng bệnh ung thư
- Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư
– Ăn nhiều muối, nhiều mì chính… có nguy cơ gây ung thư dạ dày.
– Chế độ ăn ít xơ, nhiều chất béo, thiếu vận động và thừa cân có nguy cơ gây ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, ung thư vú.
– Ăn nhiều thịt màu đỏ nguy cơ gây ung thư đại tràng.
– Rượu, thuốc lá gây ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, đại tràng, vú, gan.
- Chế độ dinh dưỡng phòng ung thư:
– Chọn chế độ ăn ưu thế có nguồn gốc thực vật: đậu, khoai củ, các loại hạt… Ăn nhiều rau tươi và trái cây. Hạn chế lượng thịt màu đỏ.
– Chọn thực phẩm ít béo và ít muối. Không ăn mặn.
– Chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh: Chọn những cách chế biến đơn giản như luộc, hấp. Hạn chế các thực phẩm được chế biến công nghiệp đóng gói sẵn, các món thịt nướng, mỡ rán đi rán lại nhiều lần… Không ăn dưa khú, dưa chưa chín, thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm và phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc.
– Hành, tỏi có tác dụng ức chế sinh các khối u, giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
– Đậu tương có tác dụng ức chế sự phát triển các khối u ở vú.
– Duy trì cân nặng ở mức tiêu chuẩn và hoạt động thể lực đều đặn.
– Không uống rượu, không hút thuốc lá.