Dinh dưỡng và tập luyện cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV

  1. Ăn uống tốt

Trong 3 tháng đầu, thai nhi thường phát triển ít về cân nặng. Bà mẹ có thể ăn thêm ít và tăng cân nhẹ, khoảng 1 kg, đôi khi không tăng nếu có ốm nghén. Ba tháng giữa là lúc thai bắt đầu phát triển và ổn định, bà mẹ hết nghén, ăn được nhiều hơn và bắt đầu tăng cân, khoảng 4 – 5 kg. Ba tháng cuối, thai tăng cân rất nhanh, người mẹ có thể tăng khoảng 5 đến 6 kg trong giai đoạn này. Như vậy, trong cả thai kỳ cần ăn tốt, ngủ tốt để tăng được khoảng 10 – 12 kg.

– Bà mẹ mang thai nhiễm HIV cần ăn nhiều hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Lượng thức ăn cần tăng ít nhất 1/4, tăng số bữa ăn hàng ngày; tăng chất lượng để bảo đảm sự phát triển của mẹ và con.

– Cần ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong một ngày:

+ Chất bột đường: Cơm, bánh mì, ngô, khoai…

+ Chất đạm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ…

+ Chất béo: Dầu, mỡ, lạc, vừng…

+ Nhóm vitamin và muối khoáng: Rau củ, sữa, trái cây…

Ăn đủ 4 nhóm với lượng vừa phải, riêng rau quả có thể dùng nhiều. Nên ăn nhiều lần trong ngày để hấp thu tốt, không bỏ bữa, không ăn qua loa. Phụ nữ mang thai không nên ăn quá mặn, không nên hút thuốt lá, uống rượu, không nên uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc. Tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý, không dùng thuốc xổ.

  1. Luyện tập tốt

– Tập thể dục khi mang thai giúp bà mẹ ăn ngon, ngủ ngon, rèn luyện cơ bắp để chuẩn bị cho sinh nở và tăng cường sức chịu đựng cho cơ thể. Luyện tập hàng ngày giúp máu dồn về tim nhiều hơn, tăng cường độ dẻo dai, kiểm soát được việc tăng cân. Bà mẹ mang thai nên tập những môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ và bơi lội.

– Lao động trí óc hoặc tay chân cũng như giải trí, nghỉ ngơi cần phải phù hợp với sức khỏe, sở thích và điều kiện của bà mẹ. Sức khỏe tinh thần và thể chất của bà mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và đứa trẻ chào đời.

  1. Thăm khám tốt

– Bà mẹ nên khám thai hàng tháng để được theo dõi và tư vấn kịp thời về sức khỏe của cả hai mẹ con. Sức khỏe của bà mẹ sẽ tốt nếu bà mẹ đã được điều trị với ARV ít nhất được 6 tháng và tiếp tục được điều trị. Việc khám, quản lý thai nghén sẽ giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận và nhận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

– Sau khi sinh con, bà mẹ nên nuôi con bằng sữa thay thế.

– Tuân thủ mọi hướng dẫn và lời khuyên của thầy thuốc và nhân viên Khoa Sản cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các bà mẹ nhiễm HIV đã từng sinh con và nuôi con tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *