Đột quỵ do tăng huyết áp

  1. Nguy hiểm của đột quỵ do tăng huyết áp

Đột quỵ do tăng huyết áp (THA) hay thường được gọi là tai biến mạch máu não do tăng huyết áp là một thuật ngữ chung để chỉ các bệnh do tắc mạch não (nhồi máu não) và do chảy máu não (xuất huyết não). Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Khi bị đột quỵ, một phần não bị hư hại đột ngộ do mất máu nuôi não do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngừng hoạt động và sẽ chết đi sau vài phút. Những tổn thương này dẫn đến các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ bị tổn thương như yếu, liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hòa nhập cuộc sống bình thường.

Những trường hợp mạch não bị tắc do mảng xơ vữa ở thành mạch dày dần lên, làm hẹp dần lòng mạch và kết hợp với việc hình thành cục máu đông. Mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp gây xuất huyết não làm chảy máu, chèn ép não bộ và đôi khi xuất huyết ở khoang dưới nhện (mạch máu bị vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não). Biểu hiện lâm sàng do tắc mạch hoặc do vỡ mạch khó có thể phân biệt, để chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào các yếu tố tiền căn, bệnh có sẵn và xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X – quang sọ não, MRI, CT scanner.

Những người bị THA có nguy cơ cao bị đột quỵ là những người trên 55 tuổi có kèm theo các bệnh phối hợp như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì – thừa cân, lười vận động và bị stress.

  1. Phòng ngừa đột quỵ

Để phòng ngừa đột quỵ có hiệu quả cần tuân thủ tốt các chế độ phòng bệnh:

+ Phòng bệnh cấp một: bao gồm các hành động với mục đích không cho bệnh hoặc tác nhân xấu có cơ hội gây ra bệnh tật.

+ Phòng bệnh cấp hai với mục đích phát hiện ra bệnh ở giai đoạn mới chưa có triệu chứng. Nhờ đó khi áp dụng, các phương thức điều trị có thể trì hoãn hoặc chặn đứng không cho bệnh xảy ra.

+ Phòng ngừa cấp ba là để tránh các biến chứng xấu của bệnh mà không may đang mắc phải.

Tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột quỵ. Các nhà y học đã coi tăng huyết áp như kẻ giết người thầm lặng. Ở người THA, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này. THA là nguyên nhân gây đột quỵ quan trọng nhất và ta có thể điều chỉnh được. Duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ.

Vì thế mỗi người cần theo dõi huyết áp đều đặn, đo ít nhất 2 lần/năm. Nhiều người không biết huyết áp của mình cao vì bệnh thường không có triệu chứng. Kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được trị số huyết áp mục tiêu.

Huyết áp nên duy trì dưới 120/80 mmHg. Trên mức 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, không bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã về trong giới hạn bình thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *