Đục thủy tinh thể là một căn bệnh rất phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa mà lại không có cách điều trị phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Thủy tinh thể là chiếc đĩa trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, nó tập trung các tia sáng đi vào võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ nằm sau mống mắt và tham gia vào quá trình điều tiết của mắt. Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.
- Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất là do tuổi già (trên 80% người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người có độ tuổi trên 50), và các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, cận thị, chấn thương ở mắt, đục thủy tinh thể sau bệnh lý khác của mắt: glaucome (cườm nước), viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc, đục thuỷ tinh thể bẩm sinh.
- Triệu chứng
Mắt nhìn thấy mờ, thị lực suy giảm, khó nhìn, lóe sáng, quáng gà, ra nắng mờ hơn trong nơi râm mát. Sức nhìn kém trong các vùng sáng bao quanh. Nhìn một vật thành hai hoặc ba. Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt. Người bị đục thủy tinh thể nặng có thể thấy ánh sáng và nhận ra được các tương phản mạnh về màu sắc, nhưng không thể đọc sách báo.
- Điều trị
Trong giai đoạn sớm, thị lực chưa suy giảm nhiều, các bác sĩ thường cho người bệnh đeo kính hoặc sử dụng kính lúp hỗ trợ song song với việc cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho mắt. Người bệnh nên làm việc trong môi trường ánh sáng tốt để giảm thiểu các rối loạn thị giác.
Trường hợp người bệnh không thể sử dụng thuốc hoặc đeo kính thì cần phải phẫu thuật thay thế thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật đục thủy tinh thể được thực hiện khi thị lực giảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Hiện tại có các phương pháp sau: Phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm (Phaco); Phẫu thuật thủy tinh thể trong bao; Phẫu thuật thủy tinh thể ngoài bao. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp an toàn nhưng một số trường hợp vẫn có những rủi ro như: Sưng, chảy máu hoặc nhiễm trùng; Mất thị lực hoặc tình trạng song thị; Thay đổi bất thường về nhãn áp; Bong võng mạc; Đục thủy tinh thể thứ phát (đục bao sau). Các rủi ro trên bác sĩ có thể kiểm soát nhưng người bệnh nên điều trị sớm để giảm biến chứng. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện nếu thấy các biểu hiện bất thường ở mắt và khám sức khỏe định kỳ.
Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 70% số người mù là do đục tinh thể. Có tới 35% người mù do đục thủy tinh thể không biết bản thân bị bệnh hoặc đây là bệnh có thể chữa được. Đa số người bệnh lại đến bệnh viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Nhất là ở những trường hợp mà các dây thần kinh thị giác (nhiệm vụ cung cấp thông tin nhìn thấy đến não) có thể đã bị phá huỷ hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn hoặc nếu điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nên tăng cường kiểm tra mắt định kỳ nhất là với người cao tuổi để hạn chế các biến chứng, bảo vệ chức năng thị giác và giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.