Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất chọn Ngày An Toàn Người Bệnh Thế giới là ngày 17/9 hàng năm. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh cũng vì thế được an toàn hơn. Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2024 có chủ đề “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự An toàn của Người bệnh”.
Hiện nay, ngay tại các nước phát triển, khi tiếp nhận các dịch vụ khám chữa bệnh, khoảng 10% người bệnh lại bị tổn hại sức khỏe của bản thân do các sự cố y khoa. Trong các sự cố này có tới 50% nguyên nhân là có thể phòng tránh được như: phơi nhiễm với tia phóng xạ, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán chậm và không chính xác,… Chi phí để điều trị hậu quả do các sự cố y khoa gây ra chiếm hơn 14% chi phí chung tại bệnh viện. Do vậy, an toàn người bệnh là vấn đề sức khoẻ cộng đồng mang tính toàn cầu. Mục tiêu của an toàn người bệnh là các dịch vụ khám chữa bệnh hướng tới chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trước hết phải cố gắng không làm tổn hại thêm cho chính bản thân họ. An toàn người bệnh trước hết là phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa. Muốn thực hiện tốt phòng ngừa tổn thương và hạn chế tai biến y khoa trước hết phải loại bỏ tâm lý đổ lỗi, cần có sự cởi mở, công khai về sai sót y khoa một cách khách quan và chính xác để khắc phục. Việc cởi mở thông tin về các sai sót y khoa phải trở thành một phần trong văn hoá bệnh viện nhằm tăng cường và cải thiện chất lượng hoạt động bệnh viện, đó là văn hoá an toàn người bệnh .
Nguồn gốc của Ngày An Toàn Người Bệnh
Các bằng chứng cho thấy khi chính bệnh nhân được xem như là đối tác trong quá trình chăm sóc sức khỏe của mình, sẽ có được những lợi ích đáng kể về sự an toàn, trải nghiệm hài lòng của bệnh nhân và kết quả sức khỏe của chính họ. Bằng cách trở thành thành viên tích cực của nhóm chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân có thể đóng góp trực tiếp vào sự hiệu quả của việc chăm sóc chính mình và của toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung.
Thông qua khẩu hiệu “Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn”, WHO kêu gọi nhấn mạnh vai trò then chốt của việc chẩn đoán đúng và kịp thời trong quá trình khám chữa bệnh, nhằm mang lại an toàn và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chẩn đoán chính xác là chìa khóa để xác định vấn đề sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời là bước quan trọng đầu tiên trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Tuy nhiên, các sai sót trong chẩn đoán, bao gồm chẩn đoán sai, chẩn đoán chậm trễ hoặc chẩn đoán bị bỏ sót, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh.
Cải thiện an toàn trong chẩn đoán cần được thực hiện thông qua việc giải quyết các vấn đề hệ thống và các yếu tố nhận thức có thể dẫn đến sai sót. Các yếu tố hệ thống bao gồm các lỗ hổng tổ chức như: Giao tiếp kém giữa các nhân viên y tế với nhau hoặc giữa nhân viên y tế và bệnh nhân; khối lượng công việc nặng nề; thiếu hiệu quả trong làm việc nhóm. Các yếu tố nhận thức liên quan đến vấn đề đào tạo, kinh nghiệm của bác sĩ; sự mệt mỏi, thiếu sức khỏe và áp lực trong công việc cũng là nguyên nhân dẫn đến chẩn đoán thiếu chính xác.