Corticoid là chất có tác dụng chống viêm, giảm đau, trị các bệnh về xương khớp, dị ứng ngoài da và hô hấp. Tuy nhiên nếu lạm dụng và sử dụng không đúng liều lượng, không theo sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nguy hiểm hơn, đối với trẻ em, nếu dùng quá liều sẽ gây chậm lớn, làm gia tăng nguy cơ bị xốp xương.
Bệnh nhân thường đến khám với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do quá liều corticoid như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, chậm phát triển thể chất ở trẻ em… Qua thăm khám những bệnh nhân này còn cho thấy, hầu hết những người bệnh được điều trị bằng cách tiêm các thuốc corticoid kéo dài đều không được kê đơn thuốc trước điều trị, không được cho biết tên thuốc và không được giải thích về tác dụng chữa bệnh, các độc tính của thuốc và cách dự phòng. Chỉ đến khi xảy ra tai biến, một số người bệnh mới yêu cầu được biết loại thuốc corticoid mà mình đã sử dụng.
Nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh như kể trên. Ngoài ra, nếu corticoid dùng liên tục quá 15 ngày và bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi ngừng thuốc.
Một trong những quan ngại khi sử dụng loại thuốc này là có thể dẫn đến mức đường máu cao hơn ngưỡng bình thường và sử dụng lâu dài có thể phát triển bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2. Do làm tăng tân tạo glucose ở gan, tạo điều kiện làm tăng triglycerid máu và làm giảm vận chuyển glucose trong cơ nên khi dùng dài ngày corticoid có thể gây tăng đường huyết. Các thuốc này không trực tiếp làm tăng đường huyết nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên sự bài tiết insulin, tăng đề kháng insulin, làm giảm tác dụng của insulin nên làm tăng đường huyết. Việc đường huyết tăng nhiều hay ít so với trước khi dùng corticoid phụ thuộc một số yếu tố như: liều dùng, thời gian dùng (dùng trong thời gian càng lâu, nguy cơ càng lớn), tuổi của bệnh nhân (khoảng 20% số bệnh nhân bị ĐTĐ do dùng corticoid ở tuổi trên 50), yếu tố cơ địa (gen hoặc chuyển hóa), bệnh nhân có sẵn hội chứng kháng insulin,… đường dùng thuốc (corticoid đường tiêm và uống gây tăng đường huyết nhiều hơn, dạng corticoid sử dụng đường khác như xịt hen hoặc kem bôi da có ít tác dụng phụ hơn).
Ðể phòng ngừa và hạn chế những tác dụng phụ của nhóm thuốc này gây ra, khi điều trị thuốc corticoid nên theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Quan trọng nhất là phải dùng corticoid đúng chỉ định và theo hướng dẫn của thầy thuốc. Khi dùng lâu dài corticoid phải có bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên để xử trí kịp thời nếu xảy ra tác dụng có hại. Không được tự ngừng thuốc corticoid đột ngột, nhất là những trường hợp đang dùng liều cao hoặc đã dùng thuốc trong thời gian dài vì có nguy cơ gây suy thượng thận cấp nặng, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nên dùng corticoid với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất theo yêu cầu điều trị đủ có tác dụng. Dùng các thuốc thay thế khác ngay khi có thể. Ưu tiên sử dụng các cách dùng thuốc ít tác dụng phụ nhất mà vẫn đạt hiệu quả. Khi bắt đầu và trong suốt thời gian điều trị corticoid, cần kiểm tra xem có bị ĐTĐ hoặc tăng huyết áp không. Đặc biệt, người bệnh không được tự ý dùng thuốc corticoid vì hậu quả sẽ không lường trước được, bởi đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi.