Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 20% thai phụ bị bệnh đái tháo đường khi mang thai. 3 yếu tố cơ bản giúp quản lý một cách hiệu quả bệnh đái tháo đường thai kỳ, bao gồm theo dõi mức đường máu, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực.
- Theo dõi đường máu
Theo chuyên gia y tế, nếu bệnh đái tháo đường thai kỳ không được theo dõi và quản lý tốt bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như trẻ sinh thừa cân, sẩy thai, sinh non hoặc thai lưu. Trẻ thừa cân có thể tăng nguy cơ chấn thương lúc sinh, khi mổ lấy thai, tăng nhu cầu săn sóc đặc biệt cho trẻ sau sinh. Bên cạnh đó, phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2. Do đó, việc chăm sóc hiệu quả bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ các biến chứng trong quá trình mang thai và sự ra đời của trẻ. Phụ nữ khi mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi đường máu thường xuyên để đảm bảo mức đường máu luôn nằm trong mục tiêu điều trị.
- Chế độ dinh dưỡng
Ăn uống đúng cách rất quan trọng trong việc quản lý bệnh đái tháo đường thai kỳ. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát đường máu trong khoảng mục tiêu điều trị, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai phụ và sự phát triển của trẻ. Phụ nữ bị bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ được khuyến khích ăn một lượng nhỏ một cách thường xuyên và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Bổ sung một số thực phẩm chứa carbohydrate trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn phụ, ví dụ gạo lức, bánh mì nguyên hạt, khoai tây, một số loại đậu.
Lựa chọn thực phẩm đa dạng và hấp dẫn giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai như các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và pho mát; sắt có trong thịt đỏ, thịt gà và cá; axit folic có trong các loại rau sẫm màu. Ưu tiên dùng những loại chất béo chưa bão hòa như dầu oliu, bơ và các loại hạt. Hạn chế ăn thịt mỡ, da và các thức ăn chế biến sẵn, ưu tiên uống sữa giảm béo. Thai phụ cũng có thể ăn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng không gây tăng cân và đường máu quá mức như dâu tây, chanh leo và các loại rau củ, ngoại trừ khoai tây, khoai lang, ngô, các loại đậu. Nên ăn nhiều rau, ít nhất hai lần mỗi ngày. Thức uống tốt nhất là nước đun sôi để nguội, nước lọc đóng chai hoặc nước khoáng. Nên tránh các nước ngọt, nước có ga, nước có chứa caffein.
- Hoạt động thể lực
Hoạt động thể chất giúp làm giảm sức đề kháng insulin. Do đó, khi bị bệnh đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cũng nên hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Nếu không có bệnh lý sản khoa hoặc nội khoa nào đặc biệt, thai phụ cũng có thể tập thể dục một cách an toàn khi mang thai.