Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch

Huyết khối tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị tắc nghẽn do cục máu đông gây ra. Huyết khối là tình trạng cục máu đông được hình thành ngay tại lòng mạch, gây cản trở dòng máu. Thuyên tắc xảy ra do sự di chuyển của cục huyết khối trong lòng mạch và bị kẹt ở nơi lòng mạch có kích thước nhỏ hơn.

  1. Các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch: Các yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch có thể được chia thành 3 nhóm gồm:

– Rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông di truyền hoặc mắc phải

– Ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch: Suy tim, phụ nữ mang thai và sau sinh, các khối u lớn ở ổ bụng hay vùng chậu, bất động do tình trạng bệnh lý.

– Chấn thương chi dưới hay vùng chậu hay các can thiệp, phẫu thuật các tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch chậu…

Huyết khối tĩnh mạch còn có thể do các yếu tố khác như: Béo phì, lạm dụng rượu, người cao tuổi, nhiễm trùng.

  1. Nguyên nhân hình thành huyết khối tĩnh mạch

Nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch là do di truyền và mắc phải.

– Sau cuộc phẫu thuật lớn: Cuộc phẫu thuật nào cũng sẽ có rủi ro nhất định. Huyết khối tĩnh mạch thường xuất hiện trong quá trình phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh.

– Các bệnh lý ác tính: Ung thư là yếu tố làm tăng nguy cơ huyết khối lên 50 lần trong 6 tháng đầu sau khi chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân ung thư bị huyết khối có tuổi thọ giảm mạnh so với bệnh nhân ung thư không bị huyết khối.

– Các chấn thương lớn: Các chấn thương nghiêm trọng như gãy xương đùi, gãy đốt sống do tai nạn có thể gây hình thành huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là huyết khối tĩnh mạch sâu.

– Người nằm bất động kéo dài: Bệnh nhân nằm bất động trong một thời gian dài khiến cho dòng máu chảy trong tĩnh mạch chậm lại. Dòng máu chảy chậm có khả năng gây huyết khối hơn bình thường.

  1. Triệu chứng huyết khối tĩnh mạch

– Đối với huyết khối tĩnh mạch sâu, thường là ở chân, người bệnh thường có các triệu chứng gồm: đau hoặc cứng khớp, sưng tấy, đỏ ở chân. Cảm giác khó chịu có thể kéo dài từ đùi xuống đến mắt cá chân. Nếu cục máu đông hoặc một phần cục máu đông di chuyển đến phổi, dẫn đến thuyên tắc mạch phổi có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực, khó thở, choáng váng, ngất xỉu.

– Bệnh nhân bị viêm ruột, mắc một số rối loạn về máu bao gồm hội chứng tăng sinh tủy, tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm, đôi khi phát triển huyết khối tĩnh mạch ở bụng, gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng này có thể không có triệu chứng rõ ràng, đôi khi gây khó chịu ở bụng, đau quặn bụng từng cơn trong vài giờ.

 

 

  1. Huyết khối tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch kích thước nhỏ triệu chứng thường mờ nhạt và dễ bị bỏ sót. Huyết khối tĩnh mạch kích thước lớn thường gây tắc nghẽn mạch máu và gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

– Thuyên tắc phổi: Đây là một biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ như khó thở đột ngột, đau ngực khi hít vào, thở nhanh, mạch nhanh, gần ngất hoặc ngất xỉu, ho ra máu, cần nhanh chóng nhờ người thân đưa đi cấp cứu ngay.

– Hội chứng hậu huyết khối: Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng rất dễ dẫn đến tình trạng hậu huyết khối.

– Biến chứng điều trị: Huyết khối tĩnh mạch thường được điều trị bằng thuốc chống đông máu. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ chảy máu khi sử dụng thuốc này. Do đó, trước khi điều trị, bệnh nhân cần được đánh giá nguy cơ chảy máu và hướng dẫn tự theo dõi các dấu hiệu chảy máu tại nhà.

  1. Phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch

– Siêu âm mạch máu

– Chụp CT

– Xét nghiệm máu

  1. Điều trị

Tùy từng ca bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau: phẫu thuật lấy huyết khối, đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ, điều trị thuốc tiêu sợi huyết và điều trị thuốc kháng đông.

Đa phần các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc kháng đông nếu không có chống chỉ định.

  1. Biện pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch

Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều lượng thuốc.

– Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.

– Tăng cường vận động thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp. Đặc biệt, đối với những người phải ngồi nhiều hoặc đứng một chỗ quá lâu, nên đi lại hoặc vận động thường xuyên để kích thích lưu lượng máu.

– Kiểm soát tốt cân nặng, nên giảm cân khoa học nếu bị béo phì – thừa cân để loại bỏ áp lực không cần thiết khỏi tĩnh mạch.

– Không hút thuốc lá.

– Thăm khám sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ.

Người bệnh khi có các triệu chứng nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *