I-ốt là nguyên tố hóa học có trong thiên nhiên như đất, nước, không khí, trong lương thực, thực phẩm như thịt, cá, gạo, rau quả, nhất là các loại hải sản. I-ốt có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. I-ốt là vi chất cần thiết đối với sự phát triển trí tuệ và thể chất, nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Thiếu I-ốt sẽ dẫn đến thiếu hóc môn tuyến giáp và gây ra nhiều rối loạn khác nhau như bướu cổ, sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động… I-ốt giúp tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
Sau đây là những điều cần biết về I-ốt.
Thiếu I-ốt: Thiếu I-ốt là một vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Thiếu I-ốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể.
Tác hại của thừa I-ốt: Nếu lượng I-ốt được cung cấp quá nhiều sẽ gây nên hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave (Basedow), u tuyến độc giáp (Toxic Adenoma), viêm tuyến giáp (Thyroiditis).
Đối tượng hạn chế sử dụng muối I-ốt: Người bị bệnh tim mạch và thận nên giảm lượng muối mỗi ngày để tránh nguy cơ bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Người bị bệnh cường tuyến giáp không nên dùng muối I-ốt vì I-ốt sẽ khiến họ lồi mắt, run tay.
Khi dùng muối I-ốt chúng ta cần lưu ý
Giữ muối I-ốt nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, dùng xong buộc kín miệng túi hoặc để muối trong lọ đậy nắp kín để tránh I-ốt bị bay hơi. Sử dụng muối I-ốt thay cho muối thường hàng ngày. Không rang muối I-ốt.
Khi ướp thức ăn, bỏ một ít muối I-ốt trước, sau khi nấu chín thì bỏ thêm vào cho vừa đủ. Nên cho muối I-ốt vào thức ăn sau khi đã nấu chín.
Phòng ngừa thiếu I-ốt: Mỗi ngày mỗi người cần khoảng 250-750 microgram I-ốt. I-ốt theo nguồn thức ăn vào ruột, hấp thu vào máu, lượng I-ốt dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu. Sử dụng muối I-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là đủ nhu cầu I-ốt cho cơ thể và phòng được các rối loạn do thiếu I-ốt.