Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ em

  1. Nguyên nhân bệnh viêm phổi ở trẻ em

Các lứa tuổi khác nhau thường gặp phải các tác nhân gây bệnh khác nhau. Đa số trường hợp gây ra viêm phổi ở trẻ em là virus, bao gồm RSV (Respiratory Syncytial Virus), Adenovirus, Parainfluenza virus, Influenza virus. Những chủng virus này có thể lây lan nhanh theo đường hô hấp, đặc biệt là trong thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa, điều kiện vệ sinh môi trường kém. Ngoài ra cũng có những trường hợp mắc viêm phổi do vi khuẩn, thường gặp nhất là Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus. Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, mắc các dị tật bẩm sinh có nguy cơ viêm phổi cao hơn các trẻ khác.

  1. Triệu chứng bệnh Viêm phổi ở trẻ em

Cần phân biệt các triệu chứng viêm phổi với các nguyên nhân gây suy hô hấp khác như: hen, dị vật đường thở, bệnh phổi bẩm sinh, tràn dịch màng phổi, suy tim, tim bẩm sinh… Mỗi giai đoạn bệnh khác nhau cũng có những biểu hiện bệnh khác nhau:

– Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, quấy khóc, giảm hoạt động…)

– Giai đoạn toàn phát: Ho khan, ho có đờm, thở nhanh liên tục. Bệnh nặng lên khi có những dấu hiệu tím tái da và niêm mạc, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, co rút cơ liên sườn.

  1. Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ

– Vào mùa thu đông, cần giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài, nhất là khi cần thiết phải đưa trẻ ra ngoài, không nên cho trẻ ra ngoài về đêm và sáng sớm, khi trời còn nhiều sương. Tránh cho trẻ đến nơi đông người nếu không thật cần thiết.

– Tránh để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hay trẻ khác đang bị bệnh hoặc những tác nhân gây bệnh như khói bụi, thuốc lá, phấn hoa, đặc biệt là đối với những trẻ dưới 1 tuổi và trẻ có cơ địa dị ứng.

– Rửa tay là biện pháp hiệu quả để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và cả viêm phổi.

– Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng mức vì nếu kiêng tắm, vệ sinh thân thể kém thì trẻ cũng dễ dàng mắc nhiều bệnh khác. Tùy theo mức độ lạnh bên ngoài để cho trẻ tắm hoặc lau người bằng nước ấm, vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió. Sau đó cho trẻ mặc thêm quần áo ấm, tất tay, chân. Cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, đủ năng lượng để nâng cao sức đề kháng.

– Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, vắc xin phế cầu là biện pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ không mắc các bệnh về hô hấp. Ngoài ra, có thể bổ sung cho trẻ thuốc uống và các loại vitamin, men tiêu hóa, thuốc bổ khác theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự mua thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *