Phòng chống bệnh cúm mùa

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Những triệu chứng của cúm thường xảy ra đột ngột. Một số triệu chứng thường gặp: Sốt hoặc cảm thấy ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau đầu, thường xuyên mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Một số người có thể xuất hiện mệt mỏi và tiêu chảy (thường gặp nhiều ở trẻ em). Không phải tất cả những người mắc cúm đều có đầy đủ các biểu hiện của cúm mùa kể trên, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Nhìn chung các triệu chứng của cúm mùa thường giới hạn ở đường hô hấp trên.

Bệnh cúm thông thường có thể tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể điều trị các triệu chứng của cúm mùa bằng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với bệnh nhân cúm mùa không thuộc nhóm nguy cơ cao cần được điều trị triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Bệnh nhân chỉ cần tập trung điều trị làm giảm các triệu chứng, lưu ý người bệnh nên ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối với các bệnh nhân bị cúm nặng hoặc có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Các loại thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng của cúm. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, thuốc kháng virus có hiệu quả tốt nhất nếu bắt đầu sử dụng trong vòng 48 giờ đầu tiên khi mắc. Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng thuốc ở thời điểm muộn hơn, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh lý mãn tính. Lưu ý, với trường hợp các triệu chứng của cảm cúm kéo dài (thường quá một tuần), người bệnh sốt cao mặc dù đã sử dụng các loại thuốc hạ sốt, ho nhiều, tức ngực,… cần tới cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân hãy thực hiện tốt:

  1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
  2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *