Phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền. Tại Hà Nội, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 07/6/2024, Hà Nội ghi nhận 745 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong, tăng 360 ca với cùng kỳ 2023. Tại quận Hai Bà Trưng, tính đến ngày 11/6/2024, có 44 ca mắc, 01 ổ dịch và không có ca tử vong. Số ca mắc tăng 36 ca so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với triệu chứng chính là sốt cao liên tục từ 2-7 ngày kèm theo một trong các triệu chứng khác như đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau nhức hai hố mắt. Người mắc bệnh có thể có các biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau như chấm/mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam.

Một số dấu hiệu nguy hiểm của bệnh như vật vã, li bì, chân tay lạnh, đau bụng nhiều hoặc đau bụng vùng gan, mệt lả, không ăn uống được, nôn máu, đái máu, đi ngoài phân đen, chảy máu cam không cầm, ra máu âm đạo,… Khi người mắc bệnh có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trên thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng tránh các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng không được phát hiện, điều trị kịp thời thì người dân cần chủ động thực hiện một số nội dung sau:

– Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà nếu chưa đi khám tại cơ sở y tế; hoặc điều trị tại nhà mà không tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

– Những trường hợp được điều trị tại nhà cần phải theo dõi sát diễn biến của bệnh. Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc tái khám ngay bất kỳ lúc nào khi thấy xuất hiện một trong các dấu hiệu nguy hiểm.

– Những trường hợp dù bệnh không nặng cũng không nên điều trị tại nhà, đó là: Những người sống một mình, Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; Gia đình không có khả năng theo dõi sát; Trẻ nhũ nhi; Phụ nữ có thai; Người già trên 60 tuổi, Người có bệnh mạn tính đi kèm như: bệnh thận, tim, gan, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường…

Các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để hạn chế chỗ cho muỗi sinh sản và phát triển như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như xô, thùng chậu, chai, lọ…

– Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa,…; lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng. Thực hiện biện pháp trên hàng tuần tại mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân dành ít nhất 10 phút để tìm và loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy; loại bỏ các phế liệu phế thải tại gia đình mình để góp phần phòng bệnh sốt xuất huyết.

– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các đợt thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.

– Khi có biểu hiện sốt cao liên tục cần thông báo cho Trạm Y tế và đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *