Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi khuẩn uốn ván có tên khoa học là Clostridium tetani gây nên. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, thường xảy ra ở những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván.
Nguyên nhân gây bệnh
Người bị bệnh uốn ván là do bị vi khuẩn uốn ván dưới dạng nha bào, có trong đất, cát bụi, phân trâu/bò/ngựa/người, dụng cụ, dị vật bẩn,… xâm nhập vào cơ thể trực tiếp qua các vết thương, vết bỏng, nhất là các vết thương dập nát, sâu, bẩn. Bệnh uốn ván cũng có thể mắc phải sau phẫu thuật, nạo thai, tiêm chích,… trong điều kiện không vệ sinh. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể, phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ra các độc tố vào máu, tấn công vào thần kinh – cơ, gây nên các triệu chứng đặc trưng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc uốn ván
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị uốn ván. Những người có nguy cơ cao hơn là:
– Người làm vườn.
– Người làm việc ở các trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm.
– Người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại.
– Ngoài ra một số trường hợp người từ 60 tuổi trở lên, người mắc bệnh đái tháo đường, người tiêm chích ma tuý có tổn thương trên da, niêm mạc hay trẻ sơ sinh bị đẻ rơi hoặc đẻ tại nhà trong khi người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván đầy đủ, đúng lịch cũng có nguy cơ nhiễm uốn ván.
Biểu hiện của bệnh uốn ván
Triệu chứng của bệnh uốn ván thường xuất hiện sau khi có vết thương từ 3 – 21 ngày, cũng có thể ngắn hơn hoặc dài ngày hơn tuỳ thuộc vào đặc điểm, độ lớn, độ nhiễm bẩn và vị trí của vết thương. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian xuất hiện các triệu chứng thường ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.
– Co cứng cơ nhai thường là triệu chứng phổ biến đầu tiên làm bệnh nhân khó nói, khó nuốt, khó há miệng.
– Tiếp đó, người bệnh có thể bị co cứng các cơ vùng mặt, cổ, gáy, cơ bụng, cơ lưng, cơ liên sườn, các cơ ở gốc chi, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tuỳ theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có thể có biểu hiện “vẻ mặt cười nhăn”, “bụng cứng như gỗ” hay các tư thế đặc biệt khác như cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước.
– Các cơ co cứng có thể khư trú hoặc toàn thân, tự phát hoặc tăng khi có kích thích như: có va chạm, ánh sáng, tiếng ồn,…
– Các cơn co cứng, co giật có thể làm bệnh nhân ngưng thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Phòng bệnh
Bệnh uốn ván nguy hiểm nhưng có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin phòng uốn ván, đây là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Lịch tiêm vắc xin phòng uốn ván
– Phụ nữ có thai: Tiêm 2 mũi vắc xin phòng uốn ván. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng và nên hoàn thành trước sinh 1 tháng để đảm bảo khả năng bảo vệ tốt nhất. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin uốn ván trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Phụ nữ có thai tiêm vắc xin là để phòng uốn ván cho cả mẹ và bé.
– Đối với người lớn nói chung: Tiêm 3 mũi vắc xin phòng uốn ván: mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng.
– Tiêm vắc xin uốn ván hoặc mắc bệnh uốn ván không tạo miễn dịch suốt đời. Vì vậy, để duy trì khả năng miễn dịch bảo vệ bệnh uốn ván, sau khi tiêm các mũi vắc xin đảm bảo liều cơ bản như trên, nên tiêm nhắc lại 10 năm một lần hoặc khi bị thương thì cần tiến hành tiêm nhắc lại nếu như mũi tiêm gần nhất đã quá 5 năm.
Xử lý vết thương có nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván
Các vết thương có nguy cơ cao bao gồm vết thương sâu, nhiễm đất bẩn, bụi bẩn, phân người hoặc phân gia súc, vết thương dập nát, vết thương bởi dị vật bẩn hoặc do tiêm chích sử dụng bơm kim tiêm không an toàn.
Xử lý ban đầu đối với các vết thương cần phải thực hiện đúng cách:
– Ngay sau khi bị thương, bên cạnh cầm máu, cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước sạch để loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn khỏi vết thương nếu có.
– Với các vết thương nhiều ngóc ngách, dập nát, chảy nhiều máu, dính nhiều đất, cát đòi hỏi cắt lọc, sử dụng oxy già để đẩy các hạt bụi, chất bẩn ra ngoài, thường được xử lý ở cơ sở y tế.
– Với vết thương do động vật cắn cần rửa lại bằng xà phòng và nước sạch.
– Sau khi làm sạch vết thương bằng băng y tế vô khuẩn, không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi khuẩn uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường băng bó kín.
– Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian như đắp lá, rắc bột,… vào vết thương.
Ngoài việc xử lý vết thương ban đầu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm huyết thanh hoặc/và vắc xin phòng chống uốn ván nếu cần theo chỉ định của bác sĩ.