Phòng chống HIV/AIDS

Virus HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Virus HIV phá huỷ các tế bào lympho CD4 +, là những tế bào có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Các tế bào CD4+ này có trách nhiệm bảo vệ giữ cho cơ thể khỏe mạnh khỏi các bệnh thông thường và nhiễm trùng. Do đó, HIV sẽ gây suy giảm chức năng miễn dịch ở người nhiễm virus này.

Khi HIV xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tấn công trực tiếp vào hệ thống miễn dịch. Tốc độ phát triển của virus sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khoẻ tổng quát và đặc biệt là thời gian phát hiện. Càng phát hiện sớm thì khả năng đáp ứng điều trị càng cao.

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn cuối của HIV. Ở giai đoạn này, hệ thống miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng, và nguy cơ nhiễm bệnh cơ hội là rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HIV cũng sẽ phát triển thành AIDS, đặc biệt đối với những ai phát hiện sớm và tuân thủ điều trị.

Vậy tác hại chính do HIV gây ra đều xoay quanh vấn đề gây suy giảm miễn dịch. Một khi chức năng miễn dịch không còn, cơ thể như mất khả năng bảo vệ khỏi các tác nhân có hại, kể cả những tác nhân thông thường như cảm cúm, sốt… Và dĩ nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ các hệ cơ quan của cơ thể.

  1. Đường lây truyền HIV
  2. Lây truyền HIV qua đường máu

– Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như trong các trường hợp sau: Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy; Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu,…; Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh,… có xuyên cắt qua da.

– Lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng.

– Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát.

– Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng,… bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu,… không được tiệt trùng đúng cách.

  1. Lây truyền HIV qua đường tình dục

– Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) nhiễm HIV (của người nhiễm HIV) xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.

– Tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật – hậu môn; dương vật – âm đạo; dương vật – miệng) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.

  1. Lây truyền HIV từ mẹ sang con

Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể của thai nhi.

– Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.

Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.

* HIV không lây truyền qua

– Tiếp xúc như ôm, hôn, bắt tay, dùng chung thức ăn, khăn mặt, các dụng cụ ăn uống, bể bơi, nhà vệ sinh, điện thoại…

– Tiếp xúc với máu hay dịch cơ thể của người nhiễm HIV nhưng trên da không có vết thương.

– Ăn chung, dùng chung đũa, thìa bát, cốc chén uống nước, trà với người nhiễm.

– Ăn những thức ăn do người nhiễm HIV nấu.

– Bị muỗi hoặc các côn trùng, động vật khác đốt hoặc cắn.

  1. Phòng tránh lây nhiễm HIV
  2. Qua đường tình dục

– Có lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng. Trong trường hợp có quan hệ tình dục với đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV thì biện pháp tốt nhất là bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng bao cao su.

– Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây qua đường tình dục giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

  1. Qua đường máu

– Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm.

– Chỉ truyền máu và nhận các chế phẩm khi thật cần thiết, chỉ nhận máu khi đã qua xét nghiệm.

– Không tiêm chích ma túy.

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người nhiễm.

– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…

  1. Lây truyền từ mẹ sang con

– Người phụ nữ bị nhiễm thì không nên mang thai (nếu có mang thai thì nên sinh mổ hạn chế lây nhiễm qua thai nhi).

– Trường hợp muốn sinh con, thì phải đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV qua cho con.

– Sau khi đẻ thì không cho con bú sữa mẹ mà nên thay thế sữa ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *