Rất nhiều thương tích nghiêm trọng có thể phòng tránh được nếu cha mẹ và người chăm sóc trẻ trông trẻ cẩn thận và giữ cho môi trường sống an toàn. Để xây dựng một mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em, mọi gia đình và cộng đồng cần thực hiện tốt những nội dung sau:
- Phòng ngã
– Cầu thang có cửa chắn, cửa sổ không dễ trèo, ban công đủ cao ít nhất đến ngực trẻ.
– Thềm nhà xuống sân nếu quá cao cần có bậc thềm phụ cho trẻ bước xuống.
– Sàn nhà, sàn nhà vệ sinh, khu vực sân cần được lát gạch chống trơn trượt.
- Phòng đuối nước
– Tăng cường dạy trẻ học bơi. Trẻ chỉ bơi khi có người lớn giám sát.
– Không bơi ở những nơi nguy hiểm.
– Giếng, bể, lu chứa nước phải có nắp đậy chắc chắn.
– Lắp đặt biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ.
- Phòng thương tích do vật sắc nhọn
– Không cho trẻ tiếp xúc với dao, kéo, các vật dụng sắc nhọn và mảnh kính vỡ.
– Dao, kéo và các vật sắc nhọn để ở nơi trẻ em không với tới được.
- Phòng bỏng
– Không để trẻ em đến gần lò sưởi, bếp nấu, nước sôi và các thiết bị điện.
– Khu vực bếp phải có cửa ngăn hoặc rào quanh bếp.
- Phòng điện giật
– Cầu dao, ổ cắm điện phải đặt ở vị trí trẻ không thể với tới.
– Dụng cụ, thiết bị điện phải đảm bảo an toàn, không hở mạch điện.
– Thường xuyên kiểm tra và bảo hành hệ thống điện.
- Phòng hóc sặc
– Dạy trẻ không cho các vật như đồng xu, đồ chơi vào miệng, mũi.
– Luôn có người giám sát trẻ khi ăn và chơi.
– Tạo cho trẻ thói quen nhai kỹ, ăn với lượng nhỏ một lần.
– Không cho trẻ bú khi đang nằm, khóc, ho,…
- Phòng ngộ độc
– Thuốc chữa bệnh phải để trong hộp và ở nơi trẻ không với tới được.
– Thuốc trừ sâu, chất tẩy, xăng, dầu hỏa, hóa chất,… không bao giờ được cất giữ trong các chai lọ đựng đồ uống, chai đựng phải có nhãn đề rõ ràng, để ở khu vực riêng và xa tầm với của trẻ nhỏ.
- Phòng ngừa súc vật cắn
– Không thả rông súc vật và dạy trẻ không trêu chọc các con vật.
– Vật nuôi phải được tiêm phòng, ra đường phải rọ mõm.
– Học cách sơ cấp cứu khi bị động vật cắn: Rửa vết cắn bằng nhiều nước và xà phòng, sau đó nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.
- Phòng ngừa tai nạn giao thông
– Phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe máy, xe đạp, cài dây an toàn khi đi ô tô.
– Đi đúng làn đường, tuân thủ nghiêm túc các biển báo, đi đúng tốc độ cho phép.
– Không lái xe sau khi uống rượu, bia.