Phòng nhiễm giun ở trẻ em

Khoảng 20 – 50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em. Môi trường sống ô nhiễm cùng với kiến thức vệ sinh hạn chế nên người dân, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.

  1. Con đường lây truyền của giun

Giun là loài sống ký sinh trong ruột người. Thông thường, cách lây truyền của chúng theo đường đại tiện của người ra ngoài đất. Sau đó, trứng giun phát triển rồi quay lại gây nhiễm bệnh cho người khác, thậm chí là gây tái nhiễm lại cho chính mình.

  1. Tác hại đối với sức khỏe

– Giun đũa: có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ.

– Giun tóc: tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc.

– Giun móc: có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, viêm dạ dày, tá tràng, phụ nữ rong kinh, vô kinh, gầy mòn, phù thũng, suy kiệt… Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ em lớn sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón. Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn âm ỉ, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu không điều trị dần dần trẻ bị thiếu máu nặng và có thể tử vong do suy tim.

  1. Phòng ngừa

Việt Nam là nước khí hậu nhiệt đới, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại giun sinh sôi và phát triển. Vì thế, cần phải nâng cao ý thức về vấn đề vệ sinh và thói quen ăn uống để bảo vệ sức khỏe.

– Nên tẩy giun định kỳ đối với tất cả mọi người có nguy cơ cao sống trong các vùng lây nhiễm (2 lần/năm).

– Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…

– Các loại rau sống và hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Không nên ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như: gỏi cá, tiết canh, bò tái…

– Không uống nước chưa đun sôi từ các nguồn nước giếng, hồ, sông, suối…

– Không để móng tay dài và cáu bẩn. Không gặm móng tay. Đi giầy dép khi ra ngoài.

– Luộc sôi đồ dùng gia đình như: chăn, màn, ga trải giường, gối,… vệ sinh sạch sẽ đồ chơi trẻ con nếu trong nhà có mầm nhiễm.

– Không đại tiện, không phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải sạch sẽ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *