Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 9% người lớn từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường, dự báo đến năm 2030, tiểu đường sẽ là một trong 7 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Để hạn chế các biến chứng do tiểu đường và có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này, bạn hãy làm theo lời khuyên sau đây:
- Lựa chọn thực phẩm có carbohydrate (chất bột đường) cẩn thận
Hầu hết các loại thực phẩm đều chứa carbohydrate bởi khi vào cơ thể chúng đều biến thành glucose tạo năng lượng cho con người hoạt động. Có 2 loại thực phẩm chứa carb là carb cao và carb thấp. Những thực phẩm có carb cao gồm bánh mỳ, bánh ngọt, cơm, kẹo, đường,…, chúng là những thực phẩm nhiều calories, làm nồng độ glucose trong máu cao, dễ chuyển hóa thành chất béo nếu dư thừa. Những thực phẩm có carb thấp như rau các loại, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang… làm cho lượng đường vào máu chậm hơn, giữ ổn định đường huyết, có tác dụng làm quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm, no lâu. Người bệnh tiểu đường cần chọn các thực phẩm có carb thấp, và ăn thành nhiều bữa với lượng ít.
- Giảm cân
Nếu bạn bị béo phì hãy bắt đầu giảm cân ngay bây giờ. Đối với bệnh nhân tiểu đường cần giảm cân từ từ, trong chế độ ăn cần giảm chất béo nhiều hơn là giảm carb.
- Ngủ đủ giấc
Ngủ quá nhiều hay quá ít đều có thể làm ảnh hưởng đến căn bệnh tiểu đường mà bạn đang mắc phải. Bởi mất ngủ làm cơ thể đói và thèm ăn, có thể dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ bị các biến chứng của tiểu đường như bệnh tim. Duy trì một giấc ngủ đều đặn từ 7- 8 giờ một đêm là tốt nhất cho người mắc bệnh mạn tính.
- Tập thể dục
Chọn môn thể thao yêu thích, có thể là đi bộ, khiêu vũ, đi xe đạp, hay chỉ là tập những động tác vận động tại chỗ …. Tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, giảm cholesterol, duy trì cân nặng, phòng tránh béo phì.
- Kiểm tra đường huyết hàng ngày
Kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày là cách hữu hiệu giúp người bệnh tránh được các biến chứng bệnh tiểu đường như đau dây thần kinh, tim mạch, bệnh về mắt, thận…. Kiểm tra đường huyết còn giúp người bệnh biết lượng đường trong máu của mình để từ đó có chế độ ăn uống, vận động hợp lý và theo dõi liệu trình điều trị bệnh của mình có hiệu quả hay không.
- Sống thảnh thơi, giảm căng thẳng
Khi người bệnh tiểu đường bị stress có thể làm lượng đường trong máu tăng lên. Loại bỏ những căng thẳng về thể chất và tinh thần bằng các bài tập thư giãn như tập thở, yoga, thiền, nó có hiệu quả nhất là với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Nói không với muối
Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày giúp hạ huyết áp và bảo vệ thận. Tránh ăn thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng gói vì thường có hàm lượng muối cao. Thay vào đó hãy ăn và sử dụng các nguyên liệu tươi.
- Nguy cơ biến chứng tim mạch với tiểu đường
Bệnh tim là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tiểu đường. Để phòng tránh mắc các biến chứng này bạn hãy kiểm tra định kỳ các chỉ số A1C, đây là biện pháp nhằm kiểm soát đường máu trung bình trong 2-3 tháng qua. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm tra hai hoặc nhiều lần trong một năm. Kiểm tra trị số huyết áp, đảm bảo huyết áp mục tiêu dưới 140/80mm Hg. Kiểm tra cholesterol trong máu để tìm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Chăm sóc cơ thể sau va đập hoặc bị thâm tím
Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và làm chậm quá trình lành vết thương, vì vậy khi người bệnh bị thương hay bị bầm tím do va đập. Biến chứng bàn chân như biến dạng, loét chân, hoại tử chân là những triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Cần kiểm tra bàn chân hàng ngày và điều trị, giữ vệ sinh những vết loét, mẩn đỏ, hoặc sưng.
- Bỏ thói quen hút thuốc
Những người có bệnh tiểu đường mà nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ tử vong lên gấp đôi. Ngừng hút thuốc để bảo vệ tim và phổi của bạn bởi hút thuốc làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tổn thương thần kinh…
- Lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe
Người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Một số những loại siêu thực phẩm rất tốt cho người tiểu đường như: dâu tây, khoai lang, cá có axit béo omega-3, rau màu xanh đậm. Dùng dầu oliu thay cho các loại dầu khác.
- Đến bác sĩ thăm khám định kỳ
Trung bình các bệnh nhân tiểu đường cần đi khám bác sĩ 2-4 lần một năm. Nếu người bệnh phải dùng insulin hoặc điều trị thường xuyên để duy trì lượng đường trong máu cần phải đi khám thường xuyên hơn. Hàng năm người bệnh nên được kiểm tra mắt, thần kinh, tổn thương thận và các biến chứng khác. Khi đi khám bệnh cần nói với bác sĩ về căn bệnh tiểu đường mà mình đang mắc phải.