Phòng và kiểm soát trẻ cận thị

Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa, trong đó ảnh của sự vật không rơi đúng vào võng mạc mà rơi ra phía trước võng mạc, phải nhìn một thấu kính phân kỳ để nhìn rõ nét. Cận thị học đường bắt đầu hình thành đầu cấp ll, tăng dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0,5-1 độ, dừng lại khoảng 6 độ. Cá biệt cũng có trường hợp cận đến 10 độ hoặc hơn không thể đeo đúng số, luôn luôn phải cố gắng chỉnh kính.

  1. Những biểu hiện cho thấy trẻ bị cận thị

Đa phần trẻ thường có biểu hiện nheo mắt, nghiêng đầu. Trẻ hay chói mắt, dụi mắt, chảy nước mắt…; trẻ không nhìn rõ mọi vật ở khoảng cách trên 1m; trong khi học bài trẻ có xu hướng dí sát mặt vào cuốn sách do không nhìn rõ chữ; học tập giảm sút, kém tập trung, nhanh mỏi mắt do khả năng điều tiết của mắt kém, có thể dẫn tới đau nhức mắt và đau đầu. Các hoạt động sinh hoạt và học tập trong thời gian dài nhìn gần cường độ cao còn làm tăng số cận.

  1. Nguyên nhân gây bệnh cận thị ở trẻ

– Yếu tố di truyền: thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 độ thì khả năng di truyền sang con là rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 độ trở lên thì khả năng di truyền sang con là 100%.

– Yếu tố môi trường và lối sống: là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cận thị ở trẻ em. Trẻ xem tivi và đọc sách trong một thời gian dài hơn một giờ đồng hồ; trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ ít; tư thế ngồi học không đúng; học tập và sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng; trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng.

  1. Cách phòng bệnh cận thị ở trẻ em

– Đảm bảo đủ ánh sáng: ánh sáng tốt là cực kỳ quan trọng trong phòng chống cận thị. Sử dụng càng nhiều ánh sáng càng tốt khi trẻ đọc hoặc viết, miễn là ánh sáng thích hợp không quá chói hoặc quá mờ. Cả hai đều làm ảnh hưởng đến mắt.

– Giữ mắt đọc và viết tối thiểu cách xa 30cm. Ngồi cách khoảng 50cm với máy tính và tivi, không được xem quá sát.

– Tránh đọc truyện với phông chữ nhỏ hoặc mờ, không vừa ăn vừa đọc, vừa đi vừa xem, không nằm xuống đọc, hầu hết trẻ đều có thói quen nằm trên giường để đọc sách, đọc truyện hoặc nằm ra sàn nhà, điều này sẽ khiến mắt của trẻ bị mỏi.

– Mắt cần được nghỉ ngơi, nhìn ra xa thư giãn sau một giờ đọc sách, xem TV.

Ngủ sớm, ngủ đủ giấc và đúng giờ

– Học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa, luyện tập thể dục thể thao sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị.

– Chăm sóc dinh dưỡng đúng và đủ các chất như vitamin A, vitamin C, vitamin E, khoáng chất, kẽm, selen…

 

 

 

  1. Điều trị cận thị

Đeo kính gọng: Đây là phương pháp thông dụng nhất, rẻ tiền, an toàn và dễ áp dụng. Tùy theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa.

– Sử dụng kính ORTHO-K: Thực hiện bằng việc đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm, đeo vào khi đi ngủ và lấy ra vào buổi sáng. Ortho-K giúp chỉnh hình giác mạc tạm thời, làm thay đổi độ khúc xạ của giác mạc mà không làm thay đổi cấu trúc giải phẫu của giác mạc. Đây là phương pháp điều trị cận không xâm lấn mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị tốt.

– Các phương pháp phẫu thuật điều trị cận thị: Áp dụng đối với bệnh nhân trên 18 tuổi và đạt đủ các tiêu chuẩn về độ dày giác mạc (khi bác sĩ thăm khám sẽ kết luận bệnh nhân có đủ điều kiện phẫu thuật hay không). Phẫu thuật hiện nay khá phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao với nhiều phương pháp khác nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *