Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em, đặc điểm chung của rối loạn tăng động giảm chú ý là những hành vi hoạt động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và khó khăn trong quan hệ với mọi người.

Rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát trước khi trẻ lên 7 tuổi. Biểu hiện phổ biến là trẻ không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động. Nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa trẻ hiếu động và tăng động. Trẻ hiếu động nghịch nhiều nhưng đúng mục đích và có thể tập trung được trong một thời gian nhất định để học tập. Còn trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện hoạt động liên tục, nhất là không thể tập trung tiếp thu kiến thức.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân và cơ chế gây nên rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống… Chẳng hạn, việc trẻ xem quá nhiều ti vi, điện thoại cũng có thể là yếu tố làm tăng nặng triệu chứng tự kỷ hay rối loạn tăng động giảm chú ý. So với trẻ bình thường, những trẻ này có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội, bị tai nạn…

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội. Nếu được can thiệp sớm, bệnh của trẻ sẽ có cơ hội cải thiện, có thể đi học, đi làm, sống độc lập và không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Quan trọng nhất là tuân thủ điều trị

50% bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh, thiếu niên và cả ở tuổi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 4 – 5% người trưởng thành cũng bị hội chứng rối loạn này. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, khi tiếp nhận điều trị cho một số trẻ, bác sĩ còn phát hiện cả bố của trẻ cũng có triệu chứng bệnh. Việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý giống mô hình điều trị bệnh lý mạn tính, do đó, quan trọng nhất là phải tuân thủ điều trị, theo dõi thường xuyên và tái khám định kỳ. Thời gian tối thiểu để bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh là 12 tháng.

Hiện việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có nhiều phương pháp, như giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp… và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *