Sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch

Nước sạch là nước phải trong, không có màu, không có mùi vị, không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại. Trong cơ thể con người nước chiếm đến 65 – 70% trọng lượng. Nước tham gia vào thành phần cấu tạo các tế bào, mô; là thành phần của máu để giúp máu lưu thông dễ dàng trong lòng mạch; là dung môi để hòa tan các chất dinh dưỡng, khí oxy, các hormon, các chất men theo dòng máu. Nước giúp vận chuyển và cung cấp cho các cơ quan và để duy trì sự sống, họat động chức năng và phát triển.

  1. Các loại hình cấp nước sạch dùng trong sinh hoạt

– Nước máy: Trong bể chứa phải có nắp đậy kín và phải thau rửa thường xuyên.

– Nước giếng khơi: Cách xa nhà vệ sinh, chuồng gia súc ít nhất 10m. Không để các vật dụng dễ gây ô nhiễm như hóa chất, các chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…gần khu vực giếng. Các giếng phải được xây bệ cao, có nắp đậy. Sân giếng lát gạch hoặc xi măng có rãnh thoát nước. Rãnh thoát nước có độ dốc vừa phải và dẫn ra xa hoặc đổ vào các hố thấm nước thải.

– Nước mưa: Vệ sinh máng hứng, máng dẫn, bể chứa, loại bỏ nước của trận mưa đầu và 15 phút đầu của các trận mưa sau, bể chứa phải có nắp đậy, lắp vòi hoặc dùng gầu để lấy nước. Nuôi cá vàng, cá cờ trong bể chứa để diệt bọ gậy.

  1. Các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước

Có rất nhiều loại tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng có mặt trong nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, các bãi rác thải. Đó là:

– Vi sinh vật: Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc…

– Rác vô cơ (rác không tiêu hủy được): đồ nhựa, nilon, thủy tinh, mảnh sành sứ, kim loại,…

– Rác hữu cơ (rác có thể tiêu hủy được): Thức ăn thừa, rau quả, xác súc vật, giấy.

  1. Các biện pháp bảo vệ nguồn nước

– Vệ sinh môi trường, phòng chống ô nhiễm nguồn nước: Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, giun sán, thậm chí cả ung thư.

+ Không vứt rác bừa bãi ra ao, hồ, sông, suối. Nên thu gom và phân loại rác thải. Không nên rửa rau, vo gạo, tắm giặt trong ao, hồ.

+ Thường xuyên vệ sinh nhà ở, chuồng trại. Thu gom và xử lý phân, nước tiểu, diệt ruồi, muỗi, gián, chuột ở nhà cũng như nơi công cộng.

+ Người dân vùng lũ lụt, sau khi nước rút, phải nhanh chóng khử trùng nguồn nước để phòng dịch bệnh.

+ Không đập phá đường ống dẫn nước tránh các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào nước sinh hoạt.

– Sử dụng nước hợp lý: Tùy theo mục đích sử dụng để lựa chọn nguồn nước. Sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt vệ sinh cá nhân, nên sử dụng nước sạch từ công ty cấp nước, nước giếng hoặc nước sông đã qua hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép. Sử dụng để tưới cây, vệ sinh chuồng trại nên tận dụng nước giếng, nước sông rạch hoặc nước thải đã được xử lý.

– Sử dụng nước tiết kiệm: Chỉ mở vòi nước khi cần sử dụng, phải khóa vòi nước cẩn thận sau khi sử dụng. Sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước. Thường xuyên kiểm tra và sửa chữa ngay khi hỏng đường ống dẫn nước, hư khóa van nước, không để nước rò rỉ lâu ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *