Sụp mi mắt là tình trạng bờ mi trên và da mi mắt bị sa xuống hay sụp xuống. Mi mắt là một bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt chính vì vậy hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.
- Nguyên nhân gây sụp mi
– Sụp mi bẩm sinh: Xuất hiện từ khi mới chào đời và có thể do di truyền, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc ở cả hai mi mắt. Sụp mi bẩm sinh có thể gây ảnh hưởng đến thị lực và gây ra tình trạng nhược thị.
– Sụp mi mắt cũng có thể xuất hiện khi lão hóa, do thừa da mi ở người già.
– Các tổn thương có thể đến từ: Dụi mắt quá nhiều, sử dụng kính áp tròng quá cứng, phẫu thuật mắt.
– Nguyên nhân khác: Khối u, nang hoặc sưng phù ở mắt, các vấn đề của cơ, tổn thương thần kinh ở các cơ của mắt, các bệnh về hệ thần kinh, chấn thương mắt,…
- Dấu hiệu nhận biết sụp mi
Triệu chứng rõ ràng nhất chính là mi mắt bị sa xuống. Nhiều trường hợp thì mi mắt sẽ không sụp rõ ràng và không gây ra đau đớn gì. Một số trường hợp, người bị sụp mi cảm thấy ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo và tâm lý của họ.
Mi mắt sụp có thể gây che phủ mắt làm ảnh hưởng đến thị lực trong một số trường hợp, và tình trạng này có thể trở nên tệ hơn khi nhìn xuống hoặc khi đọc sách. Lông mày cũng có thể sẽ phải nhướn lên để trợ giúp cho tầm nhìn đang bị che, việc này có thể làm cho các cơ trên mặt bị mỏi.
- Những biến chứng do sụp mi
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sụp mi có thể gây nhiều hệ lụy. Trẻ em có thể bị nhược thị do tầm nhìn bị che lấp, mắt có thể bị lác, hậu quả là làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt.
Vì sụp mi cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý như bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III (do u não,…), nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
- Chẩn đoán và điều trị sụp mi
Bệnh nhân bị sụp mi cần được kiểm tra, thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá tình trạng mi sụp và tìm nguyên nhân với các tổn thương kèm theo. Ngoài ra, có thể các bác sĩ sẽ chỉ định khám tổng quát và khám các chuyên khoa có liên quan như: Thần kinh, tai mũi họng, hàm mặt, nội tiết, lồng ngực,…
- Đề phòng sụp mi
– Không thức quá khuya, cần ngủ đủ giấc để đôi mắt được phục hồi sau khi lao động, làm việc.
– Không nên thường xuyên sử dụng kính sát tròng.
– Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Nên sử dụng kính râm hoặc kem chống nắng dành riêng cho mắt khi đi ra ngoài.
– Để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi, nếu phải làm việc liên tục với thiết bị điện tử, máy tính, thì sau 30-60 phút làm việc nên nhắm mắt lại trong vài giây để mắt được thư giãn.
– Ngoài ra cần tránh xa các tác nhân không tốt cho mắt, có chế độ ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E… tốt cho mắt.
– Uống đủ lượng nước mỗi ngày.
– Hạn chế uống cà phê, rượu, các chất kích thích.
– Khi có các bất thường về mắt thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt và dùng thuốc theo đơn, không tùy tiện tra các thuốc mắt mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.