Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là một bệnh da khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Viêm da cơ địa không lây, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng làm ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh viêm da cơ địa thường kéo dài dai dẳng. Bệnh nhân cần được điều trị trong một khoảng thời gian dài để được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẫn có thể tái phát sau đó. Bệnh viêm da cơ địa hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều quan trọng cần lưu ý là việc chẩn đoán sớm và điều trị sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích.

  1. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng qua nghiên cứu, viêm da cơ địa có thể do yếu tố di truyền, gia đình hay xuất hiện ở những người có bệnh tự miễn hay dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng (60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh).

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khởi phát hoặc làm cho bệnh nặng lên như: tiếp xúc hóa chất (sơn, nhựa,..), phấn hoa, bọ nhà, khói,..; tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng (mặc quần áo dày hoặc quá bó sát, tắm nước quá nóng, ngồi quá gần lò sưởi…); dị ứng một số loại xà phòng, nước hoa, lông động vật; do thay đổi thời tiết bất thường (từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng đột ngột, thời tiết quá khô, nhiều gió hay quá lạnh…); bị nhiễm vi rút hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn.

  1. Triệu chứng của Viêm da cơ địa

Bệnh có biểu hiện rất đa dạng nhưng thường gặp một số triệu chứng chính sau:

– Khô da.

– Da sần, nhạy cảm, sưng do gãi.

– Da dày lên, nứt nẻ và bong vảy.

– Xuất hiện các vết sưng nhỏ và khi gãi có thể chảy mủ, đặc biệt ở trên mặt, ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và mắt cá chân, thậm chí có thể nổi ban trên khắp cơ thể.

– Ngứa có thể đặc biệt nghiêm trọng, nhất là vào ban đêm khiến khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân viêm da cơ địa tại nhà

– Đối với bệnh nhân mắc viêm da cơ địa, việc chăm sóc da hàng ngày luôn cần thiết ngay cả khi không có tổn thương da.

– Vệ sinh da sạch sẽ, loại bỏ các tác nhân bên ngoài có thể khởi phát tình trạng viêm. Khi người bệnh đang có tổn thương viêm, tắm giúp loại bỏ các vảy tiết, đặc biệt khi có bội nhiễm vi khuẩn.

 

 

 

– Lựa chọn sữa tắm phù hợp như sữa tắm không có xà phòng với công thức giảm kích ứng và giảm dị nguyên được khuyến cáo sử dụng ở bệnh nhân viêm da cơ địa.

– Dưỡng ẩm da được coi là phương pháp điều trị nền trong viêm da cơ địa. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc dưỡng ẩm da giúp hạn chế sự tái phát các tổn thương cũng như giảm việc sử dụng corticosteroid bôi ngoài da ở người bệnh viêm da cơ địa nhẹ đến trung bình.

– Bệnh nhân bị viêm da cơ địa được khuyến cáo bôi dưỡng ẩm da toàn thân, khi da còn đang ẩm ngay sau khi tắm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *