Dụng cụ tránh thai trong tử cung (DCTC), có tên thường gọi là “Vòng tránh thai”. Đây là một biện pháp tránh thai (BPTT), sử dụng một vật nhỏ làm bằng chất dẻo có quấn đồng đặt vào trong tử cung, ngăn cản sự làm tổ của trứng trong tử cung, chỉ một lần nhưng tác dụng tránh thai kéo dài nhiều năm. Hiện nay, DCTC vẫn là một BPTT hiện đại ở Việt Nam.
- Ưu và nhược điểm
* Ưu điểm
– Hiệu quả cao > 98%
– Là biện pháp được phục hồi sinh sản sau khi tháo vòng.
– Có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ cho con bú và ngay sau đẻ.
– Có thời gian sử dụng lâu dài.
– Không ảnh hưởng đến sức khỏe.
* Nhược điểm
– Không phòng tránh được HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra nguy cơ viêm tiểu khung.
– Phải đặt DCTC ở các cơ sở y tế.
– Có một số tác dụng phụ như: rong kinh, nhiều kinh, đau bụng… có thể trong 3 tháng đầu sau khi đặt. Sau đó trở lại bình thường.
– Vẫn có tỷ lệ bị vỡ kế hoạch nếu DCTC bị rơi tụt.
- Đối tượng được đặt vòng tránh thai
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, muốn áp dụng một biện pháp tránh thai tạm thời nhưng dài hạn và có chỉ định của bác sĩ.
- Đối tượng không được đặt vòng tránh thai
– Có thai và nghi ngờ có thai.
– Dị ứng với đồng, kim loại.
– Về kinh nguyệt: rong kinh, kinh nhiều, đau bụng kinh nặng, rong huyết bất kỳ do nguyên nhân gì.
– Về phụ khoa: mọi viêm nhiễm đường sinh dục chưa được chữa khỏi (viêm âm đạo, viêm cổ tử cung), viêm tử cung, viêm vòi trứng, buồng trứng, viêm tiểu khung sa sinh dục, khối u lành tính hoặc ác tính trong tử cung hay ở cổ tử cung; các dị dạng ở tử cung.
– Về tiền sử sản khoa: chưa đẻ lần nào, đã bị chửa ngoài tử cung trong vòng 6 tháng (sau 6 tháng nếu cần, đặt ở bệnh viện).
– Về tiền sử bệnh tật: bệnh tim, các bệnh về máu có rối loạn đông máu, thiếu máu nặng, cơ địa dễ nhiễm khuẩn, tiêu đường, giảm bạch cầu, điều trị Corticoid kéo dài.
- Khi nào có thể đặt vòng tránh thai
* Đối với phụ nữ bình thường: Về nguyên tắc có thể đặt vòng tránh thai bất cứ lúc nào của kỳ kinh, miễn là chắc chắn người đó không có thai. Đặt vòng tránh thai vào lúc vừa sạch kinh xong là lúc ít khả năng có thai hơn cả. Khi đó cổ tử cung còn hé mở, dễ đặt, ít đau.
* Với người mới đẻ: Những người này thường chưa có kinh trở lại nhưng có thể đặt vào các thời điểm:
– Sau đẻ 6 tuần.
– Trong vòng 6 tháng sau đẻ hoặc mổ đẻ, nếu bà mẹ chưa có kinh trở lại và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Những trường hợp nghi ngờ, phải làm xét nghiệm chẩn đoán thai sớm.
* Với những người sau nạo phá thai hoặc sảy thai: Có thể đặt vòng tránh thai ngay sau khi phá thai nếu đảm bảo không sót rau, không nhiễm khuẩn.
- Những điều cần thực hiện sau khi đặt vòng tránh thai
– Nằm nghỉ tại chỗ trong khoảng 30 phút, làm việc nhẹ, kiêng giao hợp trong vòng một tuần.
– Dùng thuốc được cấp theo lời dặn của cán bộ y tế.
– Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau: chậm kinh, đau bụng dưới khi giao hợp, sốt và ra khí hư hôi, tự kiểm tra không thấy dây vòng thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và kiểm tra.