Người cao tuổi ít hoạt động so với thời trẻ. Mắt nhìn kém, tai nghe kém, mũi ngửi kém, lưỡi không nhậy ảnh hưởng đến ăn ngon miệng. Các cơ quan tiêu hóa hoạt động cũng kém trước. Hàm răng yếu, nhai cắn thức ăn khó khăn. Tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt nên nuốt khó. Dạ dầy và ruột cũng teo đi. Dịch vị giảm, lượng men tiêu hóa giảm. Hoạt động của gan, thận yếu đi. Khả năng lọc còn 60% gây ứ các chất thải ở máu. Ăn khó tiêu. Nhu động của ruột giảm dễ gây táo bón. Tình hình trên ảnh hưởng xấu tới sự tiêu hóa hấp thu thức ăn.
Vì vậy, người cao tuổi cần có một chế độ ăn uống hợp lý:
– Cần giảm mức ăn so với thời trẻ, trước hết là ăn giảm cơm: Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Cho nên người già thường ăn giảm đi. Cá biệt, có một số người tuổi cao nhưng ăn vẫn ngon miệng, nên ăn thừa, người quá mập, dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận. Bởi vậy, người nhiều tuổi cần chủ động giảm mức ăn, chỉ nên ăn hai hoặc một bát mỗi bữa cơm.
– Theo dõi cân nặng của của người cao tuổi: không nên vượt quá số xăng ti mét của chiều cao trừ đi 105. Ví dụ người có tuổi cao 165cm, cân nặng không nên vượt quá 60kg.
– Ăn giảm thịt, giảm đường, giảm muối: Lượng thịt không vượt quá 1,5 kg/người trong một tháng, đường dưới 500 gam, ăn giảm muối bắt đầu dưới 300gam/người/tháng, rồi rút dần xuống dưới 200 gam.
– Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá. Ở người có tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Đậu, lạc, vừng và cá đều có nhiều chất đạm lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi.
– Ăn nhiều rau tươi, quả chin. Ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón và giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các vitamin và chất khoáng.